5 thg 8, 2009

Tai chua

Ở Hạ Long, tai chua rất quen thuộc, nhưng hỏi ra thì cũng chả mấy ai biết cây tai chua nó như thế nào, ngay đến người bán cũng bảo: Nó ở tít trong rừng, có người đi vặt về cho mình bán chứ mình sức đâu vào hái!
Vì là quả rừng nên tai chua không đắt, đến mùa người ta bán tai chua rất rẻ. Mọi người thường dùng tai chua xanh thái mỏng phơi khô để được miếng tai chua thật chua. Nhưng khi mẹ về đến quê nhà thì đã cuối mùa rồi, tai chua hơi chín, tuy vậy cũng chọn được mấy quả rất to:



Trung bình tai chua to bằng quả ổi thôi, và hình dáng cũng hơi giống như thế:


Bổ ra thì thế này:


Nếu quả xanh thì bổ ra thấy hạt trắng bóc. Khi thái tai chua thì nhớ bỏ hạt đi trước, vì nếu không sau khi phơi khô nấu sẽ có vị nhựa chát:


Thái mỏng như thế này trông hơi giống hình cái tai, lại có vị chua, có phải vì thế mà nó có tên "tai chua" không nhỉ?! Thường thì mẹ thấy mọi người cũng gọi là "tay chua". Còn tên rừng của nó thì là quả "phống". Nghe cũng rừng rú nhỉ!



Phơi tai chua thì đừng phơi vào mâm, nó chua thế thể nào cũng làm đen xì cái mâm ra, cũng đừng phơi vội xuống sân gạch vì nó sẽ dính chặt lấy gạch, lúc khô chỉ ngồi bóc ra khỏi gạch đã đủ mệt! hi hi... Đầu tiên phơi nó vào cái sàng đan thưa mắt (chính xác gọi là gì nhỉ: xảo, nong, nia,...?) cho nó nhanh bay hơi, nhanh ráo miếng:

Khi khô se se rồi thì cho xuống sân gạch là thích nhất, vì nó sẽ khô cong khô queo lên, hay lắm, à đừng gọt vỏ trước khi thái, vì để vỏ thì khi phơi khô trông nó sẽ quăn queo có viền bèo hẳn hoi, trông rất đẹp, chứ bỏ vỏ đi thì miếng tai chua rúm ró xấu kinh! Lần này phơi tai chua được nắng, thích ơi là thích, lúc đi mua thấy trời âm u, cứ tưởng phải phơi trên bếp than, đang cơ là buồn vì sợ hơi than nhưng thấy nắng lên thì mừng húm. Có cảm giác như nắng không chỉ làm khô, mà còn làm thơm, làm chín, làm tăng thêm những hoạt chất gì đó cho thêm phần thơm ngon béo bổ trong miếng tai chua, đại loại thế, nói chung là có cảm tình với phơi nắng! Về đến Hà Nội rồi tai chua vẫn còn được hong thêm tí nắng nữa trước khi để hả hơi và gói ghém:




Bà ngoại bảo: Ở đây không có sấu mới phải dùng tai chua, hết mùa này lại đến mùa me, sao phải tội phơi phong cho mệt! Ăn thì có ngon bằng sấu bằng me đâu! Hi hi... vụ này khó trả nhời. Mỗi thứ một vị, chả sơn hào hải vị nào thay thế được! Mỗi lần ăn tai chua đều thấy nhớ quê, vốn thì dân Hạ Long vẫn được gọi là dân miền núi, và thực chất là những nét văn hóa cũng đậm chất dân tộc miền núi, chứ sau này người ta chỉ biết đến Hạ Long có Vịnh nên tưởng là dân biển sành điệu vậy thôi!
Chả biết mọi người thấy thế nào, chứ mẹ đi đâu cũng nhớ vị tai chua, mình tự tay phơi lấy thấy miếng tai chua thơm dần, nấu ăn lại càng sực mùi thơm, thơm kiểu rừng rú gì đó rất tự nhiên và nhẹ nhàng!


2 nhận xét:

  1. Lần đầu tiên mình nhìn thấy quả tai chua, giống ổi phết nhở. Tủ bếp vẫn còn 1 lọ kìa kìa. Hồi có bầu Tí Toét, ăn dở toàn nhớ đồ VN nên ông bà Ngoại gửi cho một lọ. Để dành, chén hết đám sấu đông lạnh đã. :P

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh00:35 30/5/10

    Tai chua được dùng phổ biến trong nhiều món ăn của người Việt. Ngoài ra nó còn được sử dụng để làm thuốc nam (kết hợp mật ong, nghệ...)chữa ho, khàn họng, tiêu đờm...
    Quả tai chua thường được trồng nhiều ở vùng đất đồi núi cao của tỉnh Nghệ An (như huyện Thanh chương).
    Riêng nhà tôi, trong vườn cũng có hơn 10 cây, hàng năm mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
    Niếu ai có nhu cầu nguồn cung cấp với lượng lớnđể phân phối, cung cấp cho các công ty... hãy liên hệ đặt hàng theo số máy 0972 46 47 45 gặp Mr.Toàn

    Trả lờiXóa